Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha Eugène de Savoie-Carignan

Châu Âu buổi đầu Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha. Eugène đã đánh nhiều trận ở miền bắc Ý, Đức và Vùng đất thấp.

Ngày 1 tháng 11 năm 1700, vua Tây Ban Nha Carlos II chết mà không có con nối dõi. Carlos để lại di chiếu lập cháu nội Louis XIV là Philippe, quận công Anjou làm vua mới. Các nước Anh, Hà Lan và La-Đức phản đối việc này, vì sợ Pháp và Tây Ban Nha sẽ hợp nhất dưới sự thống trị của nhà Bourbon. Bản thân Leopold I cũng là họ hàng xa của Carlos II và có tham vọng tranh ngôi vua Tây Ban Nha.[29] Không cần đợi Anh và Hà Lan ngỏ ý muốn hợp sức, Leopold I lập tức phác thảo kế hoạch thôn tính lãnh thổ của Tây Ban Nha tại Ý. Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha bùng nổ.

Eugène vượt dãy Anpơ (1701).

Eugène dẫn 3 vạn quân vượt dãy Anpơ vào tháng 5-6 năm 1701. Sau một loạt cuộc hành quân xuất sắc, quân đội La-Đức đã đánh tan quân Pháp do Catinat chỉ huy ở trận Carpi ngày 9 tháng 7. Louis XIV gửi thư cho Catinat rằng: "Ta đã cảnh báo ông rằng ông đang gặp phải một vương tử trẻ dũng mãnh, hắn không chịu bị ràng buộc vào các nguyên tắc quân sự thông thường", rồi sa thải Catinat.[30] Ngày 1 tháng 9 Eugène đánh bại người kế nhiệm Catinat, thống chế Villeroi, trong trận Chiari, một trong những trận đánh đẫm máu nhất trên chiến trường Ý.[31] Tuy nhiên, triều đình Viên đã không chi viện đầy đủ quân nhu, tiền bạc và binh lính cho Eugène phát huy chiến thắng.[32] Ông đành chuyển sang các hình thức chiến tranh phi chính quy để chống lại quân Pháp vốn đông mạnh hơn nhiều. Ngày 31 tháng 1-1 tháng 2 năm 1702, Eugène cho quân đột kích vào Cremona, bắt được Villeroi. Nhưng quân đội La-Đức không chiếm được Cremona và Louis XIV cử Quận công Vendôme, một tướng giỏi hơn nhiều so với Villeroi, làm tư lệnh mới của phe Pháp. Eugène đã nài nỉ triều đình tăng quân nhưng không ai nghe ông.[33] Ngày 15 tháng 8, Eugène tiến quân cự nhau với Vendôme trong trận Luzzara. Quân Pháp chịu thương vong nhiều gấp đôi quân Áo, song các đợt tấn công của Eugène đã bị chặn lại. Ông đành chuyển sang cố thủ ở phía nam dãy Anpơ.[34] Đến tháng 1 năm 1703, Eugène được triệu hồi về Viên.[35]

Chủ tịch Hội đồng Chiến tranh

Do thiếu hụt tiếp tế và sĩ khí sa sút, binh đoàn của Eugène đã không thắng lợi trong chiến dịch Ý năm 1702.[36] Từ đây quân Pháp đã có thể tiến công đất Áo theo đường Bayern (vua Bayern là Maximilian Emanuel đã tuyên bố theo phe Pháp từ tháng 8 năm 1702). Cùng lúc đó, một bộ phận dân Hungary đã nổi dậy vào tháng 5 và gây cho triều đình Áo nhiều khó khăn. Ngân sách nhà nước Áo lại dần cạn kiệt, khiến Leopold I quyết định thay đổi bộ máy cai trị. Cuối tháng 6 năm 1703, hoàng đế cử Gundaker Starhemberg thay Gotthard Salaburg làm Chủ tịch Ngân khố, còn Eugène thay Henry Mansfeld Chủ tịch Hội đồng Chiến tranh (Hofkriegsratspräsident).[37]

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Chiến tranh, Eugène bây giờ là một trong các đại thần thân cận nhất của Leopold. Ông cũng là người chủ tịch đầu tiên từ thời Montecuccoli vừa cai quản Hội đồng Chiến tranh, vừa trực tiếp cầm quân trên chiến trường. Eugène lập tức xúc tiến các biện pháp nâng cao chất lượng quân đội Áo; ông đi ủy lạo quân sĩ, chu cấp tiền bạc cho các tướng trận, ưu tiên phong thưởng những người có công hơn là người có gốc gác quyền quý, đồng thời cải thiện kỷ luật quân đội.[38] Vương triều Áo đã gặp khủng hoảng lớn trên một số mặt trận vào năm 1703: tháng 6 năm đó, thống chế Pháp Villars hội quân với vua Bayern trên sông Donau, chuẩn bị đánh thốc vào Viên; cánh quân Pháp của Vendôme ở bắc Ý cũng rất mạnh, chỉ phải đối diện với một lực lượng mỏng của Áo do Guido Starhemberg chỉ huy. Thêm vào đó, quân nổi dậy Hungary do Francis II Rákóczi chỉ huy đã đánh bật quân đội Áo tới tận MoraviaHạ Áo vào cuối năm đó.[38]

Trận Blenheim

Quận công Marlborough chúc tụng Vương công Eugène xứ Savoy (người cưỡi ngựa) sau chiến thắng Blenheim, tranh của Robert Alexander Hillingford.

Các mâu thuẫn giữa Villars và tuyển hầu tước Bayern đã làm mất cơ hội cho họ tấn công Viên trong năm 1703, nhưng các triều đình VersaillesMadrid vẫn tin chắc rằng kinh đô Áo sẽ sớm thất thủ.[39] Từ tháng 2 năm 1703, đại sứ Đế quốc La Mã Thần thánh tại Luân Đôn Wratislaw đã hối thúc Anh và Hà Lan đưa quân đến sông Donau, nhưng chính phủ Anh tỏ ra quan tâm tới các vấn đề thuộc địa và thương mại hơn là cuộc chiến tại Nam Âu.[40] Chỉ có một số nhỏ quan lại Anh và Hà Lan nhận thức được những hậu quả tiềm tàng nếu nước Áo bại trận, và tiêu biểu nhất trong số này là đại tướng Anh - Quận công Marlborough.[41]

Đầu năm 1704, Marlborourgh quyết định tiến quân vào Nam Đức đặng đánh đuổi quân Pháp khỏi lưu vực sông Donau. Biết Eugène là một ông tướng có nhiệt huyết và kinh nghiệm dày dặn, Marlborough đã đích thân thỉnh cầu Eugène tham gia chiến dịch của mình.[42] Hai tướng gặp nhau lần đầu tiên tại ngôi làng nhỏ Mundelsheim vào ngày 10 tháng 6 và sớm hình thành một mối quan hệ hợp tác rất ăn ý.[43] Sự kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa hai ông đã đem lại cho phe Liên minh nhiều thắng lợi trong cuộc chiến. Trận thắng đầu tiên, và cũng là trận thắng oanh liệt nhất của bộ đôi Marlborough-Eugène diễn ra tại Blenheim vào ngày 13 tháng 8 năm 1704. Eugène chỉ huy quân cánh phải Liên minh kìm chân lực lượng đông vượt trội của tuyển hầu tước Bayern và thống chế Pháp Ferdinand de Marsin, trong khi Marlborough phá vỡ trung quân của thống chế Pháp Tallard. Kết thúc trận đánh, quân đội Liên minh đã tiêu diệt 3 vạn quân Pháp và làm tàn binh Pháp phải rút chạy về Strasbourg. Mặc dù chiến tranh còn kéo dài thêm nhiều năm nữa, chiến thắng của Marlborough - Eugène ở Blenheim đã loại Bayern khỏi vòng chiến và cứu Viên khỏi nguy cơ thất thủ. Hai tướng Liên minh đều không tiếc lời khen ngợi thành quả của nhau, và dân châu Âu ca tụng cả hai người như những anh hùng trận Blenheim. Về phần Eugène, việc ông chặn đứng quân cánh trái Pháp-Bayern tại Blenheim cùng với những yêu cầu hành động dứt khoát của ông trước trận đánh đã góp phần quyết định thắng lợi của phe Liên minh năm 1704 ở Nam Đức.[44][45]

Sau khi thua trận Blenheim, nước Pháp phải đối mặt với nguy cơ bị xâm lược, chuyển sang thế bị động, nhưng triều đình Leopold I chưa thể làm thế do phải đối mặt với nhiều áp lực khác: thứ nhất là do cuộc khởi nghĩa của Rákóczi đang trên đà thắng lợi; thứ hai là do Guido Starhemberg và Vittorio Amedeo (trở lại phe Liên minh chống Pháp từ năm 1703) đã không cản nổi quân Pháp của Vendôme trên mạn bắc Ý. Chỉ có thành Torino - kinh đô của Vittorio Amedeo là còn trụ vững.

Torino và Toulon

Eugène về Ý vào tháng 4 năm 1705, ông định tiến về phía tây tới Torino nhưng bị các cuộc hành binh khéo léo của Vendôme chặn lại. Eugène gặp nhiều trở ngại lớn do thiếu thuyền bè và nguyên liệu xây cầu, thêm vào đó, bệnh tật và đào ngũ trong quân ngũ La-Đức khiến quân số bên ông giảm mạnh so với bên Pháp. Leopold I đã hứa sẽ cấp thêm tiền và binh lính, nhưng rồi đó chỉ là lời hứa suông. Đã vậy, Eugène còn liên tục bị Amadeo và triều đình Viên thúc ép phải hành động. Hậu quả là quân đội La-Đức bị đánh bại thê thảm trong trận Cassano ngày 16 tháng 8.[46] Tháng 5 năm 1705, Leopold I băng hà, Joseph I lên thay. Từ đây, Eugène bắt đầu nhận được sự hỗ trợ mà ông khao khát. Joseph I cũng luôn tin tưởng Eugène cho phép ông nắm quyền lớn về mặt quân sự của La-Đức; do vậy, đây là vị hoàng đế làm Eugène hạnh phúc nhất khi được phò tá trên tư cách là một thần tử.[47] Joseph I hứa hẹn sẽ giúp sức Eugène, và thuyết phục ông trở lại Ý để khôi phục vinh quang của triều Habsburg.

Tập tin:Prince Eugene's Italian campaign, 1701 - 1707.pngCác trận lớn của Eugène trên mặt trận Ý thời chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha.

Eugène trở về Ý giữa tháng 4 năm 1706, chỉ kịp để tổ chức một cuộc rút lui bài bản cho tàn quân của bá tước Reventlow sau khi người này bị Vendôme đánh thua ở trận Calcinato ngày 19 tháng 4. Sau trận này, Vendôme củng cố trận tuyến phòng ngự dọc sông Adige, hòng giam cầm sự chú ý của Eugène về hướng đông đang khi tướng khác của Pháp là hầu tước La Feuillade uy hiếp Torino. Kế này không vượt qua được cặp mắt tinh tường của Eugène. Ông một mặt giả cách tấn công dọc sông Adige, mặt khác đem quân tràn xuống hướng nam, vượt sông Po vào giữa tháng 7, nhờ vậy ông giữ được một vị trí thuận lợi để từ d9o1 ông có thể đi về hướng tây đánh Piedmont và giải vây Torino.[48]

Chân dung Eugène do Jacob van Schuppen vẽ.

Trong lúc đó, các diễn biến trên các mặt trận khác đã tác động tích cực tới mặt trận Ý. Ngày 23 tháng 5, Marlborough thắng Villeroi ở trận Ramillies. Louis XIV phải gọi Vendôme lên mạn bắc để chỉ huy quân Pháp trên miền Vlaanderen. Công tước Saint-Simon gọi sự thuyên chuyển này là giải thoát cho Vendôme, vì bấy giờ người này đã "bắt đầu cảm thấy không thể đạt được chiến thắng [ở Ý] … vì Vương thân Eugene, có viện binh[49] nhập cuộc sau trận Calcinato, đã thay đổi hoàn toàn cục diện trên chiến trường này."[50] Dưới sự chỉ đạo của Marsin, Công tước Orléans thay Vendôme cầm quân ở Ý, nhưng sự thiếu quyết đoán và hỗn loạn trong quân doanh Pháp đã làm hỏng việc của Marsin và Orléans. Eugène hội quân với Vittorio Amadeo ở Villastellone đầu tháng 9, rồi tung quân đánh phá, áp đảo và đánh bại hoàn toàn cánh quân Pháp đang vây Torino ngày 7 tháng 9. Chiến thắng của Eugène đã trục xuất quân Pháp khỏi miền bắc Ý, đưa toàn bộ thung lũng Po vào tầm kiểm soát của Liên minh. Eugène đã đạt được một thắng lợi quan trọng không kém trận Ramillies của Marlborough; chính người này đã viết: "Tôi thật khó diễn tả hết niềm vui mà nó [Torino] mang lại cho tôi, vì tôi không chỉ đề cao mà còn thật sự mến mộ vị vương thân đó (Eugène). Trận đánh vinh quang đó chắc hẳn phải làm Pháp suy suyễn lắm, để những người bạn của chúng ta chỉ cần đánh mạnh thêm một năm nữa thôi, chúng ta được Chúa quan phòng sẽ không thể không đạt được một hòa ước khiến chúng ta an lạc sau tất cả những ngày gian nan".[51]

Trận Torino đã mở ra thời kỳ thống trị của Áo ở Lombardia. Hoàng đế phong Eugène làm trấn thủ Milano. Nhưng năm 1707 diễn ra đáng thất vọng cho ông và toàn bộ Liên minh. Ý định ban đầu của hoàng đế và Eugène là chiếm các xứ NapoliSicilia từ tay phe cánh của Philippe-công tước Anjou, nhưng các lãnh đạo La-Đức cuối cùng đã miễn cưỡng chấp thuận đề xuất của Marlborough đánh phá Tulon - căn cứ then chốt của hải quân Pháp trên biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, các tướng Liên minh là Vittorio Amadeo, Eugène và đô đốc Anh Shovell hợp tác không ăn ý, làm hỏng toàn bộ chiến dịch Toulon. Eugène cho rằng chiến dịch này là thiếu thực tiễn, và trong suốt chiến dịch ông không hề biểu hiện "sự sốt sắng mà ông bộc lộ trong các dịp khác".[52] Quân Pháp đổ nhiều viện binh tới chặn đánh, và tới ngày 22 tháng 7 năm 1707 quân đội La-Đức phải rời bỏ Toulon. Ít lâu sau, quân Liên minh chiếm được thành phố Susa, nhưng việc này không bù đắp được sự phá sản hoàn toàn của chiến dịch Toulon, kéo theo sự tan vỡ của mọi hy vọng từ phía Liên minh về một trận đánh dứt điểm trong năm này.[53]